ZingTruyen.Fan

Quan Quan Tuong Ho Ho Diep Seba Edit Hoan Thanh

Ba mươi tám

Văn kiện đầu tiên ra lò từ ty Bảo Văn là một tờ cáo thị của triều đình, bố cáo thiên hạ về việc cho phép tất cả các hệ phái như Mặc gia, Pháp gia vân vân được phép truyền đạo và thảo luận công khai trong dân chúng.

Theo lời Văn Chiêu đế thì thật ra cũng không có hàm ý sâu xa gì như hậu thế suy luận về sau cả đâu. Cũng giống như lần trước truy phong Hoàng vương, khẳng định công lao mở nước dựng nước của Phó Tịnh, đồng thời truy phong Phó tần là Huệ Trinh Hoàng thái hậu... toàn bộ chỉ nhằm mục đích góp thêm một miếng gạch miếng ngói vào tính danh chính ngôn thuận của các nữ đế. Còn thì việc đó lại vô tình hợp với ý trời, chỉ có thể nói là hoàn toàn ngẫu nhiên may mắn, xem ra thì vận may cũng là một phần quan trọng của thực lực. 

(Vụ Hoàng vương Phó Tịnh bỏ đi, Mộ Dung Xung nạp một cô gái họ Phó khác vào cung làm Phó tần để nuôi nấng hoàng tử xong cũng bị rơi vào quên lãng mình nhớ đọc được đâu đó truyện khác rồi mà không nhớ truyện nào huhu, hình như là Thâm viện nguyệt lúc Chính Đức đế nói chuyện với Phùng Tam Lang thì phải)

Tờ cáo thị này đánh dấu sự mở đầu cho thời đại "hậu bách gia tề minh" (xem chú thích ở cuối), đồng thời là văn kiện đầu tiên của kỹ thuật in chữ rời, nên được viện bảo tàng đời sau giữ gìn trân trọng. Cơ mà thật ra dụng ý thật sự của Văn Chiêu đế lúc bấy giờ chỉ là kiếm việc gì đó cho đám con em Nho gia làm quan trong triều bận rộn, đừng có rảnh hơi chõ mũi vào quyền thừa kế của hoàng gia, thậm chí là chuyện giường chiếu của hoàng đế mà tranh cãi ầm ĩ không thôi.

Còn việc giao cho ty Bảo Văn thực hiện, đơn giản là vì mất bao nhiêu thời gian lẫn tiền bạc của triều đình rồi, giờ cũng đến lúc phải cho trẫm biết thành quả ra sao chứ.

Làm ăn không ra gì thì sẽ biết tay trẫm.

Kết quả là, mặc dù Văn Chiêu đế rất ngạo mạn ném ra mấy chữ "trẫm tạm hài lòng", nhưng nụ cười hớn hở trên mặt ngài ấy quả thực không cách nào giấu được.

Từ lúc đưa ra bản văn kiện gốc, các khâu đoạn chọn con chữ, xếp thành bản dập rồi in dập ra thành hơn hai trăm tờ cáo thị, tổng cộng chỉ mất một ngày rưỡi. Không những nhanh hơn hẳn sao chép thủ công mà còn không cần lo lắng sai sót. Ngoài ra ty Bảo Văn còn nghĩ ra việc khắc thêm một phần "dấu bản quyền" trên cáo thị, hơn hai trăm tấm cáo thị đó hoàn toàn không cần lo việc ngụy tạo nội dung, bởi vì cáo thị vừa in xong "dấu bản quyền" lập tức bị phá hủy.

Thế là ty Bảo Văn nhờ đó mà nổi tiếng khắp nơi.

Nhan Cẩn Dung hớn hở bỏ tiền túi mời toàn bộ đồng nghiệp ở ty Bảo Văn đến Bách Hội Lâu ăn mừng một bữa. Cuối cùng Đường Cần Thư không uống rượu mấy đành bất đắc dĩ vác Nhan biểu ca say như chết về nhà.

Cơ mà hớn hở chưa được bao lâu, sóng gió lại nổi lên. Thôi Cẩm Văn dâng tấu xin đặt tên, Văn Chiêu đế đồng ý. "Phương pháp in Đào Nguyên" đổi tên thành "phương pháp in chữ rời".

Toàn thể Công bộ xôn xao từ trên xuống dưới.

Chuyện này thoạt nhìn vô cùng bé nhỏ, nhưng trên thực tế đã xúc phạm đến ích lợi của cả Công bộ. Quyền đặt tên ấy mà, thường thường đi kèm với người phát minh ra nó. Đường Cần Thư không phải người giỏi quan hệ xã giao, nhưng Nhan Cẩn Dung thì tinh thông cực kỳ. Chuyện đặt tên này họ đã quyết định giao cho Công bộ Thượng thư đại nhân, cấp trên lớn nhất của họ ở Công bộ.

Cho dù nói thế nào đi nữa, ty Bảo Văn cũng là một cơ quan nhỏ trực thuộc Công bộ, được sự ủng hộ lẫn hỗ trợ chính thức của cấp trên. Nếu không làm sao họ có thể hoàn thành một cách thuận lợi và nhanh chóng như vậy kia chứ. Thế nên về công về tư, quyền đặt tên này hẳn là từ cấp trên lớn nhất thực hiện.

Cấp trên của họ nhờ đó có thanh danh tốt, bọn họ làm cấp dưới cũng có thể hưởng lợi và thuận lợi về sau. Đó mới là tinh hoa ứng xử chốn quan trường, đôi bên cùng có lợi.

Giờ Thôi Cẩm Văn từ xó xỉnh nào đó nhảy ra, môi trên môi dưới chạm nhau một cái là có thể nhẹ bẫng mà hớt tay trên công lao của toàn bộ Công bộ bọn họ.

Cho dù người đương thời hoàn toàn hiểu rõ nguồn cơn, nhưng về sau sử sách lưu truyền hậu thế sẽ chỉ còn biết đến "phương pháp in chữ rời" do Thôi Cẩm Văn đặt tên, chẳng phải sẽ biến thành công lao của mỗi cá nhân Thôi Cẩm Văn ư?

Tuy Đường Cần Thơ không hiểu rõ ràng lắm những điều ngoắt ngoéo ẩn đằng sau sự vụ này, nhưng nghe Nhan Cẩn Dung cau có giải thích rồi cô cũng hiểu. Xét cho cùng cô vẫn là một nữ lại luôn quan niệm thực hành quan trọng hơn lý thuyết, và cực giỏi giải quyết vấn đề từ gốc rễ.

"Ty Bảo Văn cũng nên in quyển sách đầu tiên đi chứ. Bao nhiêu công sức chỉ để in ra tờ cáo thị liệu có bõ công?" Cô bình thản nêu ra ý kiến.

Kết quả là Nhan Cẩn Dung chấp bút soạn bản thảo, đưa ra thảo luận kiêm trưng thu ý kiến góp ý của toàn bộ đồng liêu của ty Bảo Văn, rồi cùng nhau xếp chữ xếp bản in dập, để xuất bản ra cuốn sách đầu tiên từ kỹ thuật in chữ rời. Nội dung cuốn sách nói về "Lịch sử ra đời, phát triển và hoàn thiện kỹ thuật in chữ rời của ty Bảo Văn", cách dùng từ đầy trau chuốt vừa hoa mỹ vừa khéo léo, văn phong khôi hài thú vị để nêu ra nguyên nhân ra đời đầy ngẫu nhiên "lười chép hướng dẫn nấu ăn" lúc ban đầu, tiếp đến làm thế nào quy định cỡ chữ mẫu chữ thường dùng, tìm tòi nghiên cứu ra nguyên liệu khắc con chữ rời lẫn chế tạo bản in dập ra sao. Tóm lại là liệt kê tỉ mỉ rõ ràng mỗi bước đi mỗi khó khăn mỗi vất vả của toàn bộ những con người tham gia quá trình đó.

Ngoài ra cuốn sách còn không quên tỉnh bơ khen ngợi toàn thể Công bộ từ trên xuống dưới, và cuối cùng liệt kê danh sách toàn bộ tên tuổi nhân viên của ty Bảo Văn, mở đầu bằng tên Công bộ Thượng thư đại nhân.

Cuốn sách được in ra hai trăm bản. Lúc này kỹ thuật còn sơ khai nên chưa biết in hai mặt giấy mà là dùng một trang giấy to in dập 2 bản lên, rồi dùng kim chỉ khâu lại thành cuốn sách. Cơ mà với đội ngũ quen tay hay việc chọn chữ xếp bản in dập rồi in ra sách, tốc độ không chậm hơn kỹ thuật in sách bằng bản điêu khắc nguyên trang là mấy. Có thể nói đây được coi là cuốn sách "in" đầu tiên của khúc ngoặt thời không lịch sử này.

Công bộ Thượng thư dâng sách, Văn Chiêu đế mặt rồng hớn hở vung tay thưởng lớn, đồng thời ra lệnh cho sử quan ghi chép cặn kẽ việc này. Từ nay ty Bảo Văn chính thức trở thành một cơ quan thường tại của Công bộ.

Lần này đổi thành Công bộ Thượng thư vung tiền mời toàn bộ quan lại lớn bé của Công bộ đi ăn mừng, đặc biệt mời Nhan Cẩn Dung và Đường Cần Thư ngồi vào vị trí thượng khách. Lại say mèm một trận, và cuối cùng lại là Đường Cần Thư hì hục vác Nhan Cẩn Dung say mèm như hũ hèm về nhà.

Trận giao tranh ngấm ngầm giữa Thôi Cẩm Văn và Công bộ lần này kết thúc với kết quả thắng cuộc dành cho Công bộ. Thế nhưng kẻ được lợi thực sự trong vụ này là Đường Cần Thư và Nhan Cẩn Dung.

Dù sao thì khi ghi danh vào sử sách, cụ thể chính là tên hai người họ.

Ai nấy đều nghĩ con đường làm quan của Đường Nhan hai người ở Công bộ cứ thế mà rộng rãi thênh thang, thì bỗng dưng mọi người nghe tin sét đánh, hai kẻ một quan một lại có công lao to lớn kia lại cùng nhau đệ đơn từ chức.

Đường Cần Thư gửi đơn xin điều sang Hình bộ, kết quả, chưa có kết quả. Nhan Cẩn Dung từ quan, lý do: muốn tập trung ôn thi cho kỳ thi mùa xuân năm sau.

Cú ngoặt không thể cua gắt hơn được.

Hai vị đại ca xắn tay áo chuẩn bị bài mắng chửi kiêm đánh đòn hai đứa em mát dại. Cơ mà cùng lúc đó, Nhan Cẩn Dung và Đường Cần Thư lại thong dong dắt tay nhau đi du xuân ngắm cảnh.

"Lâu lắm rồi ta chưa nấu cơm cho chàng ăn." Đường Cần Thư thoáng áy náy.

Nhan Cẩn Dung cau mày nhìn vô vàn vết thương trên hai tay cô. "Muội nghĩ ta là kẻ vô lương tâm đến mức muốn giày vò hai bàn tay này thêm ư? Thôi đi, muội không xót nhưng ta xót nha!"

Cô cười khẽ, dẫn Nhan Cẩn Dung đến chỗ mình đã chọn.

Xuân sang, hoa đào nở rộ. Dưới cành hoa đào trĩu nặng ấy, lão hán bán hoành thánh gánh đồ tới đặt xuống rồi chất phác cười. "Quan nhân, gánh đồ ngài yêu cầu tôi đã mang tới rồi ạ."

Đường Cần Thư cũng mỉm cười gật đầu với ông ấy. Cô rửa tay sạch sẽ rồi bắt đầu thoăn thoắt nặn hoành thánh, nguyên liệu dường như đã chuẩn bị sẵn từ trước cả.

"Ta còn tưởng muội rủ ta đi ngắm hoa xuân." Nhan Cẩn Dung làm bộ làu bàu than thở, nhưng đôi mắt dính chặt vào mớ hoành thánh trong tay cô, miệng không nhịn được nuốt nước bọt.

Đúng là lâu lắm rồi gã chưa được ăn đồ ăn cô làm. Và cũng lâu lắm rồi không được giúp cô thêm củi nhóm bếp.

Thật ra thì, trên đời này không có mấy ai làm được như cô ấy, làm thức ăn cũng tươi đẹp phóng khoáng như làm một bài thơ.

Hai người cùng bưng bát canh hoành thánh ngồi đối diện nhau. Hoa đào rực rỡ bay phất phơ theo gió nhẹ, vài cánh hoa rơi vào bát canh hoành thánh. Này là màu xanh của hành lá, màu trắng ngà của hoành thánh, cùng màu hồng của cánh hoa.

Là mùi vị của mùa xuân. Là mùi vị của đời người.

Là mùi vị của cô ấy, Đường Cần Thư.

Là mùi vị của cô ấy, Đường Kiều Kiều.

Thật ra thì, cô vẫn luôn là Đường Kiều Kiều như thế. Cho dù khoác lên vẻ ngoài sắc bén mạnh mẽ. Bởi vì cô đã chôn giấu rất sâu toàn bộ nét mềm mại yêu kiều của mình vào trong thứ "đạo" của bản thân: đạo của hương vị thức ăn.

Mà thứ "đạo" ấy, chỉ có ta mới có thể "ngộ".

Ăn xong, tráng miệng bằng một mâm bánh bao thái lát nướng. Nhan Cẩn Dung cười rộ lên, nụ cười tỏa sáng như nắng mùa xuân lấp lánh ấm áp.

Khi còn trên đường về kinh thành, khẩu vị của gã rất kém, Đường Cần Thư rất muốn giúp gã nhưng khổ sở vì không bột khó gột nên hồ. Cuối cùng, món bánh bao thô ráp mà gã không cách nào nuốt nổi, cô cắt chúng ra thành từng lát, quết mỡ heo rồi rắc đường lên trên, cho lên bếp nướng giòn hai mặt.

Trong lúc cùng ăn món tráng miệng đơn sơ ấy, họ chuyện trò với nhau về hoài bão tương lai.

"Ban đầu ta nghĩ cho dù có vào Hàn lâm viện hay không cũng chẳng quan trọng." Nhan Cẩn Dung vừa gặm bánh bao thái lát nướng vừa nói. "Nhưng mà, có kỹ thuật in Đào Nguyên rồi ta lại cảm thấy mình không thể không đi. Đại Yến thời nay đã có quá nhiều quan văn võ tướng, nhân tài đông đảo, không có ta tham gia cũng chẳng thiếu ai. Nhưng công việc ích lợi đến muôn ngàn đời sau kia, phải có người bắt tay vào làm."

Ánh mắt gã bừng sáng. "Đám sách quý trong Hàn lâm viện không nên bị chất chồng vĩnh viễn trong tối tăm bụi bặm. Các ghi chép công việc án kiện của từng nha môn từng huyện phủ cần phải được gìn giữ lưu truyền mà không phải chỉ dành cho phụ tá tham khảo. Nếu là mỗi một trường học của từng huyện từng phủ đều có một văn quán để sưu tầm cất giữ sách, dân chúng biết chữ đều có thể đi xem, đi học, đi chép lại... Muội nghĩ mà xem, nghĩ mà xem..."

"Đó là việc vĩ đại tới chừng nào?!"

"Đó mới là việc nhân viên Hàn lâm viện cần làm. Đó mới là việc ích lợi tới muôn vàn đời sau."

Đường Cần Thư cười, nâng một chén nước trong lên chạm cốc với gã rồi cạn ly.

"Chí hướng của ta không vĩ đại cỡ đó." Đường Cần Thư thú nhận thẳng thắn. "Ta muốn đến Hình bộ."

Rồi cô bẽn lẽn cười. "Ta đọc cuốn 'Quản án lục' (Ghi chép vụ án của Quản) từ nhỏ tới lớn. Ta muốn trở thành... một vị 'Tạ Thanh Thiên' khác."

Chính vì thế nên cô chưa bao giờ từ chối làm việc của sáu tào mà luôn luôn học hỏi thêm. Bởi vì các vụ án hình sự thường đều có liên quan tới việc vặt của sáu tào. Nếu chỉ cần học thuộc luật pháp Đại Yến này kia là có thể phá án, làm gì có chuyện đơn giản thế.

Có lẽ Mân Nam hầu cực kỳ nổi tiếng, nhưng người khiến cô kính nể khâm phục nhất lại là Tạ Tử Quản đại nhân. Mặc dù Tạ Tử Quản nổi tiếng nhất nhờ danh hiệu "quân sư đầu chó" của Mân Nam hầu, gian trá xảo quyệt tới mức đám hải tặc khi mắng Mân Nam hầu chỉ hỏi thăm thân ái mẹ ruột ông ta, nhưng khi mắng Tạ Tử Quản, chúng nổi khùng lên lôi hẳn tổ tông mười tám đời ông ấy ra thăm hỏi.

Phá án như thần, đó chỉ là một phần nho nhỏ trong cuộc sống truyền kỳ của Tạ Tử Quản mà thôi.

Nhưng ở tất cả những nơi ông ấy đã tới, trăm họ đều đồng thanh tôn sùng là Tạ Thanh Thiên.

(Câu chuyện về Mân Nam hầu Tạ Tử Anh và em trai Tạ Tử Quản nằm trong cuốn Nhật ký thuần hóa phu quân. Mình cũng khoái bạn Tử Quản hơn vì độ nhiệt tình, hót boi cool ngầu hay gọi nhầm chị dâu là mẹ của bạn í. Hehe.)

"Tỏ oan cho tăm tối, nói hộ lời người chết, nguyện vĩnh viễn thanh thiên." Đôi gò má của Cần Thư ửng hồng lên vì hưng phấn. "Đó mới là chí hướng là nguyện vọng của ta."

"Nguyện vọng đó rất tốt." Nhan Cẩn Dung gật gù, đưa cho cô một lát bánh bao nướng nữa. "Chí hướng của chúng ta đều rất tốt."

Thế nên chúng ta mới có thể mến nhau. Thì ra là mệnh trời đã định.

Nhìn mớ lát bánh bao nướng trên mâm, ánh mắt Nhan Cẩn Dung chợt dịu dàng ấm áp.

Thật ra thì, còn một chí hướng nữa, nguyện vọng nữa cấp bách hơn nhiều.

"Việc công hoàng thượng giao phó coi như đã xong xuôi." Rồi gã khẽ đằng hắng một cái. "Còn việc... chúng ta ấy, có phải... có phải cũng... đến lúc thực hiện... đúng không?"

Đường Cần Thư ngẩng đầu nhìn gã. Nhìn thấy dáng vẻ bẽn lẽn ngượng ngùng kiêm lo lắng thấp thỏm của gã.

Đôi khi, cô vẫn cảm thấy gã đúng là "biểu tỷ".

"Ta đã 'rửa tay nấu bát canh'." Cô không nhịn được trêu gã một chút. "Không biết bao giờ chim nhạn mới tới nhà?"

"... Nhanh thôi."

(Rửa tay nấu bát canh, nguyên văn là 洗手作羹汤, từ bài thơ Tân giá nương tức Cô dâu mới của Vương Kiến, nói về cô dâu mới xuống bếp nấu ăn ba hôm sau ngày cưới, nấu bát canh mời em gái chồng nếm thử trước vì chưa biết khẩu vị của mẹ chồng. Chị Cần Thư trêu anh Nhan vừa ăn canh của cô là 'biểu tỷ' là em gái chồng đó =)) Với lại chị có ý nhắc nhở, này chưa cưới mà đây đã nấu canh cho 'em chồng' nếm thử rồi đấy, bao giờ chồng mới sang hỏi cưới hả =))) Chim nhạn là một lễ vật trong 6 thủ tục hỏi cưới đã liệt kê của chương trước đó ha.)

Cơ mà cô không ngờ "nhanh thôi" là nhanh cỡ đó.

Ngay sáng hôm sau, Nhan gia đã tới nhà cô làm lễ 'nạp thải'. Trong số lễ vật mang tới, thứ khiến người ta chú ý nhất chính là sáu đôi chim nhạn. Còn sống. Và béo múp míp. Nhìn là biết đã bắt từ lâu rồi nuôi nấng chăm bẵm kỹ càng.

Cô cứ tưởng mình có thể tỉnh táo bình tĩnh. Ai dè vẫn không nhịn được ôm mặt cười ngu ngơ nhìn đám chim nhạn đó một hồi lâu.

May mà không ai nhìn thấy.

****

Chú thích về Hậu bách gia tề minh hơi dài nên mình để riêng ra.

Bách gia tề minh còn gọi là Bách gia tranh minh hoặc Bách gia chư tử: thời đại hoàng kim của triết học Trung Quốc trong thời Xuân Thu và Chiến quốc, thời kỳ có vô vàn hệ thống học thuật triết lý cùng nở rộ và cọ sát với nhau để cùng phát triển một cách tự do. Trong số đó có:

- Nho gia của Khổng Tử và Mạnh Tử định nghĩa vị trí mỗi người trong trật tự xã hội như quân thần sư phụ, cha mẹ con cái, nam nữ có khác...;

- Pháp gia của Tuân Tử nói về quy tắc chế hành xã hội chỉ dựa trên kỷ luật nghiêm khắc, yêu cầu xã hội pháp trị;

- Đạo gia của Lão Tử và Trang Tử nói về cái tôi làm thế nào để hòa mình vào thiên nhiên để tìm được sự cân bằng trong tinh thần;

- Mặc gia của Mặc Tử với học thuyết kiêm ái hòa bình và luận điểm dựa trên thực nghiệm chứ không phải trên tưởng tượng logic;

- Binh gia với điển hình là Tôn Tử vô cùng nổi tiếng với việc quan niệm toàn bộ vận hành xã hội đều có thể quy nạp vào binh pháp 

- và rất nhiều học thuyết nhỏ lẻ khác...

Thời đại này kết thúc với sự ra đời của nhà Tần thống nhất Trung Hoa và đàn áp loại bỏ các tư tưởng đối nghịch với vua Tần, để tôn sùng Pháp gia. Khi nhà Hán lật đổ nhà Tần, Nho giáo mới được khôi phục lại và trở thành quốc giáo, nhưng các học thuyết tư tưởng khác đều đã bị diệt sạch.

Các bạn có thể đọc thêm về các học thuyết này trong một số tiểu thuyết khác như Bồi Hồi cũng của má Điệp có nhắc đến họ Trần chia hai nhánh Mặc Trần và Pháp Trần; hay là bộ Ái thùy thùy (Thích làm gì thì làm) của Phong Lưu Thư Ngốc ngoại trừ phần YY hơi quá đà (aka ngôn tềnh Mary Sue) của nữ chính ra thì phần giải thích về Mặc gia kiêm ái, Pháp gia trọng pháp luật, Nho gia đưa ra hệ thống quân thần sư phụ và xã hội lý tưởng có thể bao dung toàn bộ học thuyết triết lý rất là thú vị. Cơ mà mình chưa thấy ai chuyển ngữ thành công bộ truyện đồ sộ này cả, huhuhu.

Còn một chương cuối cùng nữa thôi. Họ sắp cưới nhau rồi, sắp đến funny à nhầm happy ending rồi hehehe.

Cái sự nhầm kịch bản ở khắp mọi nơi =)))))))))))) cho tới phút chót. =))))))))))))

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Fan