ZingTruyen.Fan

Monsta X Memoirs Of A Geisha Hyungwonho Shortfic

Tàu ta cập bến trên một hòn đảo gọi là đảo Tashirojima. Đó là một đảo nhỏ, dân cư thưa thớt chủ yếu sống bằng nghề chài lưới, rất thanh bình. Những túp lều tranh lụp xụp, những thuyền, những thúng, những ghe, những tấm lưới to vướng đầy cá tươi, những gương mặt chất phát thật thà, những bắp tay tráng kiện, và những người đàn bà luôn miệng cầu nguyện cho chồng con đi biển bình an. Người dân ở đây hầu hết đều nhớ mặt nhau, đi ba bước đều có thể gặp được một người quen, nên họ biết ngay khi có người lạ đến.

Những ngư dân biển ít tiếp xúc với bên ngoài rất hay tò mò. Họ nhìn ta như ngắm nhìn một loài hoa lạ không biết mọc ra từ đâu. Khi đó ta chỉ cười, và nói rằng ta là một kẻ lỡ đường ghé ngang nơi đây.

Nói là lỡ đường, vậy mà thấm thoắt đã sáu năm. Giờ thì ta là một phần của đảo, tựa hồ được sinh ra từ mảnh đất này, vô cùng quen thuộc. Ta mở một trường dạy học, dạy chữ, dạy ngâm thơ, dạy nghề thủ công cho những người phụ nữ và trẻ con nơi đây. Họ rỗi rảnh lắm, khi đàn ông đi biển hết thì cũng chẳng còn gì để mà làm. Hồi đầu, việc dạy học của ta thì nhàn, vì cái làng chài nhỏ có mấy người để mà theo học, nhưng sau này, người ta bắt đầu làm ăn buôn bán với bên ngoài, lũ trẻ tự nhiên cũng đều đều được gửi đến đây, và cả những cô gái trẻ ôm vọng tưởng đến nơi thành thị xa hoa ngoài kia nữa, họ cũng tìm đến, và chịu học không thua kém gì những tài nữ nổi danh nơi kinh đô. Họ thường gọi ta là "thầy Hyungwon" bằng ngữ điệu kính cẩn tôn trọng, hệt như cái lúc ta còn là một geisha, cái loại kính cẩn đã từng trói buột ta, vậy mà từ khi đến đây cũng không còn như thế nữa, mà ngược lại rất thoải mái, tự nhiên.

Ta ở trong một căn nhà nhỏ, không quá khang trang, cũng chẳng xập xệ nghèo túng. Nơi đây từng là nhà của một bà lão, nhưng bà được đứa cháu ngoại đón về Hokkaido rồi, nên bà nhượng lại ngôi nhà mà chẳng hề lấy một đồng nào, bà chỉ có một yêu cầu nhỏ, để ta tiếp tục chăm sóc vườn cúc trắng mà bà trồng từ thuở còn con gái trước nhà. Cúc bà trồng đẹp lắm, kiều diễm chẳng khác gì những loài hoa cao quý đắt tiền, mà lại phẳng phất chút thanh thuần ngan ngát. Khi trời lên, nắng phủ một lớp màu vàng nhàn nhạt óng ánh lên từng cánh hoa, lộng lẫy như chiếc kimono dệt bằng tơ vàng nạm ngọc của Thần Mặt Trời, sáng đến rực rỡ.

Ta ngồi trước hiên, tay ôm cốc trà nặn bằng đất sét, loại cốc mà trước khi rời khỏi Edo ta chưa từng có dịp dùng đến, cũng hay, trà pha bằng chén sứ Thanh Hoa còn lâu mới có được tư vị bình dị này. Hướng mắt về khoảng trời rộng lớn, hôm nay nắng thật đẹp, nền mây trong vắt, xanh ngời.

"Thầy Hyungwon hôm nay trông sảng khoái thật nhỉ", tiếng ai đó ngoài hàng rào theo làn gió nhẹ vọng đến, ra là bà
Koyama, một trong những người phụ nữ hay đến chỗ ta học nghề thủ công, "Tôi mang thuốc đến cho thầy đây!"

Trên hòn đảo này có một lòai cây lạ chữa bệnh phổi rất tốt, từ khi đến đây, được dùng loại cây này làm thuốc, ta cũng đỡ chật vật với những cơn ho hơn.

"Phiền bà quá!", ta mỉm cười, từ tốn đứng dậy đón lấy rổ thuốc, tỏ ra khách sáo, mà cũng không hẳn, khách sáo vốn dĩ là cách cư xử đó giờ của ta mất rồi, ở bất kì đâu, với bất kì ai, "Giá mà tôi đủ sức để mà tự hái thuốc nhỉ!"

"Ôi thầy đừng nói thế!", bà Koyama phủi tay, tự nhiên theo kiểu người miền biển, "Thầy đã dạy không cho chúng tôi còn gì!"

"Ngoài trời nắng gắt, mời bà vào nhà uống cốc trà cho mát"

"Phiền thầy", bà Koyama lại phủi tay, rồi bà sực nhớ ra cái gì đấy, "Ông nhà tôi vừa về, có đem theo nhiều quá lắm, mời thầy sang lựa vài món"

"Tôi không đi đâu", ta từ chối lấy lệ, cũng vì ta biết trên đời này ít người có thể từ chối bà Koyama lắm, "Bà về kẻo nắng!"

"Thầy cứ nói thế", bà Koyama cười hề hề, mỗi lần bà cười lên người ta lại quên bà từng là một người mẹ, một người bà khó tính và độc đoán thế nào, "Mọi người đều đã sang nhà tôi cả rồi, thầy mà không tới thì tôi biết làm sao?"

"Thôi bà đã nói vậy, mọi việc cứ theo ý bà mà làm!"

.........................

"Chắc đây là chuyến cuối của ông nhà tôi rồi thầy ạ!", bà Koyama bất chợt mở lời khi chúng ta đi đến cổng nhà bà, "Ông ấy già lắm rồi!"

"Cũng phải!", ta gật gù, " Cậu Koyama sẽ đi thay ông ấy chứ?"

"Tôi định gửi nó lên Edo thầy ạ!", bà thở dài, dường như cũng không nỡ lòng xa con, "Nó là đứa có tài học vấn nhất nhà!"

Ta "à" lên một tiếng, cũng hiếm có nhà nào tư tưởng tiến bộ như nhà bà Koyama trên mảnh đất nhỏ bé này. Rồi cuộc trò chuyện cũng dứt, thay vào đó là tiếng cười nói rôm rả của những người đàn bà xúm xụm bên chồng vải lụa mới, bên mấy thứ trang sức tinh xảo nhưng không mấy đáng tiền mà thành thị xa xôi mới có được. Bên kia là tiếng ồm ồm của đám đàn ông, họ quây quanh ông Koyama, hỏi ông về đủ thứ chuyện trên đời, chuyện mà người đi biển mới hiểu. Khung cảnh quá khác lạ mà cũng thật ấm cúng, dường như, hòn đảo này là một căn nhà lớn, chẳng có phân biệt ta với ngươi, chẳng có phân biệt tên họ.

"Thầy Hyungwon!", lẫn trong đám người, bà Chiba tinh ý nhận ra ta, "Thầy đến xem khúc vải này, đẹp lắm!"

Bà lên tiếng cũng kéo theo sự chú ý của những người xung quanh, họ nhao lên, í ới:

"Ôi thầy! Thầy mau đến xem vòng tay này, thầy mau đến xem mũ này! Thầy đến xem giúp tôi với!"

Ta bất giác phì cười. Phụ nữ trên đảo thì ít ăn diện se sua, nhưng suy cho cùng, họ vẫn là phụ nữ, vẫn thích những thứ mới lạ đẹp mắt, vẫn thích đeo vòng ngọc nho nhỏ, cài trâm bạc xinh xinh vào những dịp lễ tết.

"Ở đây cũng chỉ có mỗi thầy là hiểu rõ những thứ đồ này!", bà Koyama nói khi ta đang xem một tấm lụa, chất lụa mỏng nhưng dai này ngày xưa ở phường thêu không thiếu bao giờ, "Chúng tôi đi theo thầy mà vẫn chẳng hiểu gì!"

"Mỗi người có mắt nhìn khác nhau bà ạ", ta lắc đầu không cho là đúng, "Tôi cũng chẳng giỏi giang gì đâu!"

"Thầy lúc nào cũng khiêm tốn thế!", bà Takeda xen vào góp chuyện, bà thì lớn hơn bà Koyama, nhưng chồng bà vai vế nhỏ hơn ông Koyama, "Thầy biết nhiều quá trời, còn chúng tôi suốt đời ru rú trên đảo mà chẳng biết gì. Từ ngày thầy đến chúng tôi mới hiểu chuyện đó đây. Thầy không biết, nhưng người dân đảo này mang ơn thầy lắm!"

Ta cúi đầu không đáp lời, đó giờ ta  được khen ngợi nhiều, nhưng lại không giỏi phản ứng, lúc nào cũng chọn cách trốn tránh lảng đi, lâu dần tạo thành thói quen khó bỏ.

"Mà thầy Hyungwon này...", bà Koyama bỗng ngập ngừng, nửa dò xét, nửa gợi ý, "Thầy đã nghĩ đến chuyện thành gia lập thất chưa?"

Đôi tay đặt trên vải của ta bất giác trắng bệt, các khớp tay căng cứng. Ồ, thì ra, bà ấy đang hỏi ta có nghĩ đến chuyện lấy vợ chưa. Và ta cũng nhận ra, bấy lâu nay, ta đã chạy, không phải là chạy trốn, mà là chạy đi tìm. Tìm ở đâu? Tìm cái gì? Chính bản thân ta cũng không biết. Giờ thì ta hiểu rồi, thứ mà ta đang tìm.

"Phải nhỉ, thầy cũng gần ba mươi rồi còn gì...", bà Chiba tắc lưỡi, "Cũng nên lập gia đình rồi..."

Một gia đình

"Cháu gái một người họ hàng của tôi từ Edo sắp về đây ở hẳn đấy...", thấy ta không trả lời, bà Koyama nói tiếp, "Con bé năm nay vừa tròn hai mươi, cũng xinh đẹp lắm!"

"Từ Edo sao...", ta lầm bầm, giọng nhỏ xíu, im bặt giữa rừng những tiếng ồn ào mà ta không còn chú tâm đến, "Ra là từ Edo..."

"Ái chà, thật có chuyện này sao?", bà Takeda bật cười, kiểu cười có cái gì châm chọc, "Ở Edo không tốt hay sao mà một thiếu nữ mơn mởn lại phải quay về cái nơi hẻo lánh này?"

Giờ thì tay ta dừng hoạt động hẳn, hai tai dỏng lên. Như một loại phản xạ, cho dù ta cố chối bỏ như thế nào, cơ thể tự khắc sẽ phản ứng lại với từ "Edo"

"Edo mà tốt sao? Edo sắp loạn thành một đoàn rồi kia kìa, không rời đi lúc này thì còn chờ đến bao giờ?", bà Koyama hừ mũi, bỗng, hai mắt bà láo liên, hết đảo trên lại đảo dưới, rồi bà sán lại gần, dùng cái giọng nhỏ xíu thì thào như sợ ai đó nghe thấy, "Ta nghe nói phu nhân phủ tướng quân đã qua đời rồi!"

"Hoang đường!", trong vô thức, ta thốt lên, trước khi tay ta kịp bịt chặt cái miệng ngu ngốc, chỉ là ta không tài nào kiềm chế nổi trước cái tin rơi từ trời xuống kia, "Một người đang khỏe mạnh làm sao có thể qua đời được?", ít nhất thì, lần cuối gặp nhau vào sáu năm trước, ta chắc rằng phu nhân còn rất khỏe mạnh.

"Tôi chỉ nghe ông nhà nói thế thôi, cũng chả phải chuyện bí mật gì", bà Koyama không hề tỏ ra lạ lẫm gì trước phản ứng thái quá của ta, giờ thì bà, bà Takeda, và cả bà Chiba, chỉ quan tâm mỗi câu chuyện ly kì về những nhà quyền quý bậc nhất xứ Phù Tang,  đào đâu ra tâm trí mà để ý đến bàn tay ướt đẫm mồ hôi ta giấu dưới vạt áo chứ, "Nghe nói là bị hạ độc, mà hung thủ chính là con trai nhà Oono chứ ai! Giờ thì cả nhà đó lao đao rồi, con trai thì bị xử tử, danh hiệu quý tộc cũng mất luôn..."

Lẽ ra, lẽ ra ta không nên hào hứng đến thế khi nghe tin về cái chết của một ai đó. Nhưng lòng ta như vừa được nhấc khỏi một tảng núi đá nặng nề, bởi vì lúc này, nhà Watanabe mất đi cánh tay đắc lực nhất, liệu có phải gánh nặng trên vai phủ tướng quân đã được gỡ bỏ nửa phần không, liệu có phải thế cục đang một lần nữa chuyển xoay không?

Không! Không nên thế! Ta lại nghĩ nhiều nữa rồi! Điên thật đấy! Ta lại nghĩ về những điều ta vứt bỏ lại ở thành Edo, giờ thì ta cũng chẳng còn là Kaou, chẳng còn ở Nhà Đỏ, vậy thì sao phải nghĩ chứ? Ta lấy tư cách gì để mà nghĩ chứ?

Ta lảo đảo đứng dậy, qua loa chào bà Koyama hai tiếng, cũng chẳng nghe rõ bà đang nói gì. Ta chỉ muốn về, về bên vườn cúc trắng thơm ngát nở rộ, bên chén trà xanh ngọt lành, không lo âu, không toan tính, không một lần nữa chìm trong bể thị phi, ta chỉ là ta, vô sầu vô nghĩ.

Nhưng ta đã sai...

Khi ta loạng choạng ra đến cổng, ngay lập tức, ông Koyama gọi với lại, gấp gáp và bí mật:

"Gượm đã, thầy Hyungwon ơi!"

"Vâng, ông Koyama có điều gì muốn nói?", ta gượng cười, đeo lên chiếc mặt nạ ổn thỏa hoàn hảo, không chút sơ sót, "Xin ông chớ thấy khó xử, cứ nói đi..."

"Thưa thầy, chẳng giấu gì thầy, thật ra trong chuyến đi lần này, có người nhờ tôi gởi cho thầy một vật...", ông Koyama vừa nói vừa sờ soạng cái giỏ mây ông hay đeo bên người, rút ra một bức thơ đặt trong phong bao tinh tế gọn ghẽ.

"Làm sao mà...", ta hoảng hốt, làm sao mà ở Edo còn có người biết ta đang ở đây, trừ phi là Yoo Kihyun, nhưng trông người này chẳng có vẻ gì là phải làm chuyện rỗi rảnh đến vậy.

"Người ấy đã nhìn thấy dải băng tôi đeo trên tay, cái mà thầy dạy vợ tôi thêu ấy, và người ấy hỏi tôi rằng có gặp qua ai tên là Chae Hyungwon chăng...", ông Koyama kể lại, không sót một li, "Tôi liền cho rằng người ấy hẳn đang nhắc về thầy, nhưng tôi cứ đắn đo mãi chẳng trả lời. Thế mà vài ngày sau, người ấy lại tìm đến tôi, nằng nặc nhờ tôi chuyển thơ này cho thầy, thế nên tôi đành..."

"Người...người đã đến tìm ông ấy, trông hắn như thế nào?", giọng ta run lên, vỡ ra, hai tay cũng bật lên từng nhịp khi đón lấy cánh thơ từ tay người đối diện.

"Tôi không rõ nhìn mặt đoán người, nhưng người này chắc cũng còn trẻ, tầm tuổi thầy, cách ăn mặc, nói chuyện thì quyền quý lắm..."

Giọng ông Koyama ong lên trong đầu ta. Còn nghi ngờ gì nữa, khi gia huy của nhà họ Shin đỏ rực chói rọi nằm trên phong thơ sẫm màu trước mắt!

Ta cứ thơ thẩn như thế suốt cả đoạn đường về. Ngoài lá thơ trên tay, thế giới đối với ta lúc này đang mờ đi. Trong đầu là hàng vạn câu hỏi không rõ ràng, không lời giải đáp. Thật không ngờ, trước khi chết, ta lại còn có thể nhận được thơ của người đó.

Mặt trời xuống biển nhanh.

Ánh đèn dầu hắt lên mặt ta những đường nét mờ mờ ảo ảo, như tan vào trong sương khói, lá thư kẹp giữa hai ngón tay. Ta phân vân, phân vân mãi. Là nên để manh giấy này thành tro dưới ngọn lửa vàng, hay, là đọc qua một lần, chỉ một lần thôi.

Cuối cùng, thật nực cười, con tim vẫn chiến thắng lý trí. Ta nặng nề gỡ lớp phong bì, để lộ lá thơ cùng hàng chữ thẳng đều tăm táp bên trong. Hình như, đây là lần đầu tiên ta nhìn thấy chữ của Wonho, đó giờ, ta chỉ quen nhìn mẫu đơn hắn vẽ thôi. Nét chữ hắn cứng, sắc như lưỡi gươm, mà cũng mềm mại như nước, như dải lụa trên lưng người chiến sĩ đứng trên chiến trường, anh dũng, hiên ngang, cương trực.

Thơ viết rằng:

"Gửi em của tôi!

Lẽ ra tôi không nên gọi em như thế, khi tôi chẳng thể nào đưa em đến những vùng đất chúng ta tưởng vào những năm trăng còn tròn. Nhưng cứ nghĩ đến em thì tôi lại chẳng thể nào ngăn mình được, mong em thứ lỗi!

Em dạo này khỏe không? còn thích nghe tiếng chuông gió lách cách giữa trưa oi ? còn thơ thẩn dưới đêm trăng? còn thích hương hoa cúc trắng?

Tôi thì vẫn thế. Vẫn cứ mãi đuổi theo một thứ tôi chẳng hình dung ra được. Tôi đang chìm giữa một biển lửa, chìm trong cuộc chiến, em biết tôi ghét điều này thế nào , nhưng tôi chẳng còn lựa chọn nào khác. Tôi chẳng dám kể em nghe về chuyện Edo, tôi sợ em không muốn nghe, em đã lựa chọn rời bỏ nơi này . Chắc em giận tôi lắm, em nhỉ, em đi chẳng một lời từ biệt, tôi chẳng bao giờ cho em một lời hứa hẹn.

Tôi mừng em đã đi. Em của tôi không đáng lại một nơi thương đau bẩn thế này. Nhưng tôi lại sợ, sợ rằng em sẽ đi mãi, đi đến một nơi tôi không thể chạm đến, không thể tìm thấy...Tôi lại ích kỉ nữa rồi, thật tệ làm sao!

em thấy đấy, lẽ tôi đang lan man, làm phiền em bằng thơ này. Nếu thấy phiền, hãy làm như chưa từng đọc, chưa từng biết, hãy đốt đi. Còn nếu không, hãy đặt vào một xỉnh nào cũng được. Tôi cũng không cầu xin em phải cất giữ , nâng niu , cũng không mong em sẽ nhớ đến tôi, nhớ đến kẻ đã làm mất lòng tin nơi em, nhớ đến kẻ dụng không thể nào bảo bọc em như kẻ đó từng nói.

Khi thơ này đến được tay em, tôi không biết ngày đó sẽ thế nào, đã quá nhiều người nằm xuống. Tôi không thể kể cho em nghe được. Tôi chỉ biết cầu chúc em sống tốt, tốt hơn khi bên cạnh tôi. Tôi không giỏi văn vẻ, nên tôi chỉ biết nói như thế.

Nếu một ngày nào đó, liệu em còn muốn về Edo với tôi?

tôi vẫn muốn hỏi, em, còn chờ tôi không?

Một lần nữa, mong em thứ lỗi cho tôi!"

Đọc xong thơ, ta cười, tiếng cười vang vọng giữa không gian tĩnh mịch. Tại sao Wonho lại gửi cho ta lá thư này, sau ngần ấy năm, để mà làm gì? Để ta chơi vơi, để ta lạc lõng, để ta lần nữa đắm chìm trong kí ức hỗn độn. Ta đã cố quên đi, ta đã chạy thật xa. Vậy thì vì cớ gì, cớ gì hắn lại gợi lên nỗi nhớ da diết, nỗi đau buốt tận tâm can mà ta cố vứt lại ngoài biển cả. Không. Không đúng. Wonho đã có gia đình rồi, hắn có cuộc sống của hắn mà, vậy, sao hắn không buông tha cho ta đi, rồi ta cũng sẽ buông tha cho hắn.

Nhưng ta không trách hắn đâu. Thì ra, tình cảm dành cho một người không dễ gì phai nhạt như ta vẫn lầm tưởng. Thứ tình cảm như dây leo cắm rễ sâu trong tim làm sao mà dứt ra được. Sáu năm ròng rã, ta nghĩ ta đã quên, ta nghĩ, ta hài lòng với cuộc đời ta đang sống, cái cuộc đời mà ta vẫn luôn mơ, tự do, thành thật, giản đơn. Nhưng không. Trong cuộc đời này, ta chẳng có ai. Ít ra, Kaou vẫn luôn có một tên thợ trang điểm tên Shin Wonho bầu bạn, còn Hyungwon, Hyungwon chỉ có một mình.

Liệu, Hyungwon có còn muốn quay về Edo không?

Hyungwon có đang chờ không?

Chờ cái gì, chờ ai?

Đèn cạn dầu, tắt vụt. Trời tối đen như hũ nút. Trăng mờ lãng đãng trên không, nhỏ xíu, xa vời vợi.

Ta đã thiếp đi như thế.

Ta mơ.

Mơ thấy Wonho.

Trong mơ, hắn cứ thỏ thẻ, hắn hỏi ta nhiều thứ lắm, nhiều đến mức ta chẳng thể nhớ nổi. Hắn cứ hỏi ta, có còn nhớ hắn là ai không? Hắn hỏi, ta có nhớ Edo không, có nhớ ai đã từng cài cây trâm thạch lựu lên tóc ta vào một đêm tối muộn. Và hắn cứ luôn miệng, hỏi ta có tha thứ cho hắn không?

Đến khi tỉnh dậy, ta vẫn luôn tự hỏi, Wonho muốn ta tha thứ cho hắn điều gì, hay, có phải, thật ra tự tận sâu trong hồi ức, ta đã từng hận hắn hay không.

Ta nghĩ, sẽ viết cho hắn một lá thơ hồi âm, cuối cùng, bút trên tay cứ thẫn thờ mãi, đến khi một giọt mực không chờ được nhỏ lên trang giấy trắng một vệt nhòe nhoẹt, ta mới thở dài, buông bút. Thôi thì, cứ như hắn nói, xem như chưa từng đọc qua, chưa từng nhớ đến, hoặc giả như, chưa từng biết nhau.

.........................

Lại hai mùa xuân nữa đi qua.

Ta nhìn gốc cây bên ngoài dường như đã dày thêm một lớp, thì ra, khái niệm về thời gian đôi khi chỉ là một cái chớp mắt. Nhanh như vậy, ta, từ một đứa trẻ sáu tuổi không biết gì, trở thành một geisha lừng lẫy tuổi đôi mươi hương sắc mặn mà, bây giờ đã bước đến ngưỡng gần ba mươi, trở thành một thầy giáo dạy học sống đời thanh đạm như thầy tu.

Cuồng phong ở kinh thành cuối cùng cũng dứt. Phủ tướng quân vẫn sừng sững. Shin tướng quân cáo quan, đưa con trai độc nhất lên kế thừa tước vị. Ra là lâu nay ta đã bị lừa, cả thành Edo bị lừa, cả nước Phù Tang đều bị lừa. Ta nên biết rằng, Phủ tướng quân và Thiên hoàng vốn dĩ luôn đứng trên cùng một chiến tuyến, âm thầm giăng thiên la địa võng một lưới bắt gọn lũ phản loạn của chế độ cũ.

Thế là tốt, thế là quá tốt rồi.

Cuối cùng thì hòn đá vô hình trong lòng ta cũng đã vỡ. Nghe mới thật hoang đường làm sao. Ta lấy tư cách gì để mà lo lắng đây? Ta đã hỏi mình câu hỏi đó hàng trăm hàng nghìn lần, lấy tư cách của dân thường, không, ta không phải người Phù Tang, lấy tư cách một người bạn, không, cũng không phải, hay là tư cách tình nhân, nghe mới thật cay đắng làm sao, ta và Wonho, thậm chí còn chưa một lần dám gọi nhau là tình nhân. Vậy cuối cùng, ta phải lấy tư cách gì cho đúng đây?

Đêm nay, ta rơi vào giấc ngủ chập chờn, mà đêm nay chẳng phải là đêm duy nhất, ta đã chập chờn qua bao nhiêu năm rồi, kể từ cái hồi rời Edo.

Tờ mờ sáng, ta nghe có tiếng loạt soạt ngoài sân, có cái bóng ai lom khom ngoài lớp cửa giấy, nhỏ nhắn, nhanh nhẹn như con thỏ. Ta mỏi mệt ngồi dậy, mở cửa. Một gương mặt hồng hào ló vào, hai bím tóc đung đưa đen nhánh. Cháu gái nhỏ của bà Chiba, ta thường gọi con bé là Usagi*, đang giương đôi mắt như hai quả nhãn nhìn ta đầy háo hức:

"Thầy Hyungwon, thầy Hyungwon dậy sớm thế?"

"Em còn dậy sớm hơn ta đó thôi", ta cười, đưa tay véo nhẹ gương mặt phúng phính của đứa trẻ, "Hôm nay có chuyện gì sao?"

"Thầy ơi, em vừa nghe lỏm được bà em nói chuyện tối qua đấy!",Usagi trèo hẳn vào nhà, đôi tay nhỏ quơ quào trong ánh sánh nhạt nhòa buổi sớm, "Trưa nay, đoàn đại biểu từ kinh thành sẽ đến đây, để khai hoang gì đấy em chẳng rõ nữa...", đôi mắt con bé nhìn ta đầy thiết tha, "Em định xin bà đưa em đến xem, nhưng bà bận quá, bà mắng em mất. Thầy ơi, trưa nay chúng ta cùng nhau đi xem nhé!"

Ta muốn nói với con bé, rằng chẳng có gì đáng xem, nhưng lại không nỡ, đành ừ một tiếng. Usagi vui lắm, nhảy cẫng lên, còn vu vơ ngân nga hai ba câu đồng dao.

Mặt trời lên quá đỉnh đầu, nắng phủ vàng đất trời, gay gắt. Ta dắt tay Usagi bước trên con đường đất khô khốc, nghe tiếng con bé líu ríu bên tai như loài chim họa mi:

"Thầy biết không, em chưa từng nhìn thấy người từ kinh thành bao giờ cả...", con bé khúc khích cười, ngước lên nhìn ta, "...ngoại trừ thầy ra. Không biết họ trông như thế nào nhỉ? Có phải tất cả đều đẹp giống như thầy không?"

"Họ cũng giống chúng ta thôi...", ta lắc đầu, ta biết nhiều người đẹp ở kinh thành lắm chứ, đó là vẻ đẹp lai tạp của dân tứ xứ, người dân biển cũng đẹp, đẹp theo cách riêng của họ, nhưng ta không biết nên giải thích cho Usagi thế nào cho phải, "Usagi cũng rất đẹp mà!"

Được khen, con bé con cười tít cả hai mắt. Tiếng cười lanh lảnh kéo suy nghĩ của ta đến phương trời xa xôi. Sau khi củng cố chính quyền, Thiên hoàng cho quân đi khai hoang ở vùng hẻo lánh cũng là dễ hiểu. Không biết người được cử đến là ai nhỉ? Thôi, cũng có liên quan gì đến ta đâu, bất luận người đến có là ai chăng nữa.

Ngoài bến tàu đứng vây kín người là người. Ta từng nói cư dân biển rất tò mò mà, huống gì lần này đến là một đoàn quý tộc. Họ đứng thành hai hàng, chừa một lối đi sạch sẽ chính giữa, chỉ chờ tàu cập bến. Usagi kéo ta lên hàng đầu, người con bé nhỏ xíu, luồn lách như chuột. Chân vừa dừng, còn chưa kịp thở một hơi lấy sức, thì tàu cập bến.

"Nghe gì chưa, người đến lần này là quý tộc thật đấy!", hai người đàn ông đứng cạnh ta bắt đầu xầm xì.

"Chẳng phải quý tộc bình thường đâu, là tướng quân đấy!", nghe đến đây, hai vai ta so lên, trong lòng có dự cảm bất thường, vô cùng bất thường.

"Đúng là tướng quân, chính là..."

Là Shin tướng quân, Shin Wonho.

Hắn đi đầu, kimono đen thêu rồng bạc phủ trên người, mỗi bước chân đều mang theo một cỗ quý khí đến nghẹt thở. Tóc đen đặt trong mũ quan, nổi bật vầng trán cao rộng, đôi lông mày kiếm sắt bén, nước da trắng nhợt nhạt, môi bạc không cười, gò má cương nghị, không giận mà uy. Từ bao giờ, Wonho đã không còn là chàng thiếu niên lông bông mà ta từng biết nữa, mà có mấy phần giống với cha hắn ngày xưa. Ta trộm nghĩ, chắc đó là tấm áo da mà gia chủ Shin gia luôn phải khoác trên người chăng? Dù là thế nào, Wonho trưởng thành rồi, một người đàn ông có gia đình, có chức quyền, có tiền bạc, có danh vọng.

Mắt hắn nhìn thẳng, một đường hướng vào làng, chẳng nhìn thêm bất cứ ai, vì thế, cũng chẳng nhìn về hướng ta.

Nói không hụt hẫng, chính là nói dối.

Đêm đó, ta không ngủ được. Cứ nhắm mắt đầu lại loạn lên. Ta không còn trẻ để mất ngủ vì một người được, chắc là, do lâu rồi không gặp, ta tự an ủi bản thân như thế. Không biết Wonho có biết ta đang ở đây không nhỉ? Hay nói chính xác hơn, hắn có còn nhớ ta đang ở đây không nhỉ?

Mà, hắn nhớ để làm gì, hắn có cuộc sống của hắn, ta có cuộc sống của ta, nhớ nhung chỉ thêm những đêm dày vò, những thống khổ, nghẹn ngào, tốt nhất là đừng nhớ, ta cũng xem như không hề biết hắn ở đây, tránh thêm phiền lòng.

Hình như càng lớn tuổi, ta lại càng có những suy nghĩ mâu thuẫn thì phải...

Không ngờ, sáng hôm sau, ngoài cửa nhà ta đông thêm hai tên hầu, bộ dạng dường như đã chờ từ rất lâu:

"Tướng quân sai tôi cho vời thầy đến gặp mặt", vừa thấy ta, một trong hai tên vội vã lên tiếng, hai tay hắn nắm chặt, xoa vào nhau, "Thầy bây giờ có tiện không ạ?"

"Tướng quân ư? Shin Wonho?", ta lầm bầm, vai run lên những nhịp bàng hoàng. không rõ chuyến này đi là tốt hay xấu, cũng không biết đến lúc gặp mặt thì nên thế nào.

Toan mở miệng từ chối, tên hầu còn lại đã nhanh nhảu chen vào:

"Nếu thầy không phiền, thì thầy hãy đi đi ạ, bằng không...", hắn ngập ngừng, đầu cúi thấp, "Tướng quân thật sự rất muốn gặp thầy..."

"Tướng quân gặp ta có việc gì?", ta thở dài, gặng hỏi.

"Chúng tôi cũng không rõ, chỉ được bảo là đưa thầy đến thôi..."

"Thôi được, chờ ta một lát, ta chuẩn bị rồi sẽ đi ngay"

Ta được đưa đến một căn nhà ngói đỏ, cạnh nhà trưởng làng, căn nhà chỉ dành cho khách quý vừa được tu bổ cách đây ít lâu. Bên ngoài hai thị vệ nghiêm trang đứng, gươm đeo bên hông, rõ ràng là người được huấn luyện rất kĩ càng. Đứng ở cửa vẫn ngửi được mùi hương cam thảo nồng đậm từ lò hương. Ta không biết Wonho có thói quen này từ bao giờ, có điều, hương thơm này rất dễ chịu, rất thư thái, ta cũng rất thích.

"Tướng quân Shin cho gọi ta là vì điều chi?"

Trong nhà không có đèn, rèm cửa cũng đóng chặt, chỉ có ánh nắng len lỏi li ti rơi trên sàn. Ta không nhìn rõ mặt Wonho, chỉ lờ mờ nhận ra bóng lưng hắn đứng cạnh cửa sổ.

"Thật lâu mới gặp lại, em...không có điều gì muốn hỏi tôi sao?", bao nhiêu năm, cho dù bề ngoài đã thay đổi, nhưng giọng nói hắn vẫn thế, trầm ổn, từ tính, vô cùng dễ nghe, dễ nghe hơn bất kì thanh âm nào trên đời.

"Ta không hiểu tướng quân muốn nói gì", ta vờ lui một bước, cho dù cảm giác nghẹt thở đang trùm lên lồng ngực ta, lâu ngày không gặp, trái tim ta vẫn đập, đập vì Shin Wonho, và mãi mãi chỉ đập vì Shin Wonho.

"Tôi đã thấy em ở bến tàu..."

"Làm sao mà ngài thấy tôi được?", ta không giấu nổi ngạc nhiên, hắn có nhìn đến ai đâu, mà, làm sao hắn nhận ra ta trong cả đoàn người lẫn lộn.

"Từ khi xuống tàu tôi đã nhận ra em rồi...", có lẽ hắn vừa quay mặt lại phía ta, cho đến khi ta rơi vào một bờ ngực rộng vững chãi, ta mới dám chắc, "Em biết không, cho dù Trái Đất này xoay như thế nào, ánh mắt của tôi chỉ hướng về em thôi"

Ta ước gì khoảnh khắc đó, thời gian ngừng lại. Tựa như chưa từng có hiểu lầm, chưa từng có đau khổ, chưa từng có chia li, chỉ còn những khoảnh khắc tươi đẹp, những phút giây bên nhau không phiền không nghĩ, những nụ cười phớt, những chiếc hôn vội, như đôi tình nhân bình thường.

"Tướng quân xin buông ta đi, như thế này không hợp lẽ", ta đẩy vội hắn ra, ta vừa nghĩ gì thế này, thật là ngu ngốc, thật không biết liêm sỉ.

"Em vẫn còn giận tôi sao?"

"Tướng quân đang nói gì thế kia, ta việc gì phải giận ngài, ngài cũng chẳng làm gì để ta phải giận ngài cả..."

"Rõ ràng em vẫn canh cánh những việc tôi làm, bằng không, em sẽ không bỏ đi...cũng...sẽ không lạnh lùng như thế..."

Lời Wonho nói làm ta tưởng lầm ta và hắn vừa trải qua xích mích nhỏ, giận hờn vu vơ. Giá như là thế thật, nhưng...

"Chuyện của quá khứ, ngài việc gì phải làm khổ bản thân?"

"Tôi đã cố, Hyungwon", Wonho buông bên tai ta một tiếng thở não nề, "Mẫu thân tôi mất chỉ ba năm sau khi tôi thành hôn, triều đình đã phong tỏa toàn bộ tin tức về cái chết của bà. Tôi đã cố sống như cách mà cha tôi mong muốn, từ bỏ tất cả, từ bỏ cuộc sống bất cần trước đây, từ bỏ toàn bộ các mối quan hệ. Nhưng chỉ có em, chỉ có hình bóng của em, giọng nói của em, hơi thở của em, mùi hương của em là thứ ta cố gắng đến mấy cũng chẳng tài nào xóa khỏi kí ức..."

"Ta nghe nói vợ ngài vừa sinh cho ngài một quý tử", ta cắt ngang, bao nhiêu lần ta nhắc nhở bản thân không nên sa vũng lầy này một lần nào nữa, "Phu nhân vẫn tốt chứ?"

"Nàng ấy và tôi đã hòa ly** rồi", Wonho xoa thái dương, như không muốn nhắc đến chuyện này nữa, "Giữa tôi và nàng ấy..."

"Vì thế nên ngài mới đến tìm ta sao?", ta cắt ngang lời hắn lần nữa, ta sợ, sợ sẽ ngã vào vòng tay hắn, giờ đây, người đàn ông này đã đứng ở nơi kẻ tầm thường không với đến được, còn ta, ta có xứng không, "Ngài đừng đùa giỡn với ta như thế nữa!"

"Tôi không đùa giỡn với em, tôi đối với em luôn luôn thật lòng, nếu không, tôi sẽ không cầu xin Thiên hoàng cho tôi đến đây chỉ để gặp lại em...", hắn cười, cười mà như khóc, "Đó giờ, em vẫn nghĩ tôi là loại đàn ông như thế sao?"

"Ta không dám, làm phật lòng tướng quân rồi...", đương nhiên ta sẽ không nghĩ hắn như thế, giữa chúng ta luôn tồn tại niềm tin khó diễn tả thành lời, nhưng ta buộc phải buông lời cay đắng thế, để hắn chết tâm đi, ta không thể làm xáo trộn cuộc đời hắn thêm nữa.

"Không phật lòng", thật lâu sau, Wonho mới lên tiếng, hắn nắm lấy đôi bàn tay căng thẳng của ta, miết nhẹ, "Em vẫn nói dối tệ lắm!"

"Tướng quân..."

"Đôi khi tôi ghét em lắm. Ghét em cứ lo nghĩ, ghét em tự làm nặng lòng mình", mặc kệ thái độ của ta, Wonho xem như không biết, hắn tựa cằm lên vai ta, thì thầm, "Tôi vẫn muốn đưa em về Edo với tôi. Có thể không, vứt bỏ tất cả, về với tôi, để tôi bù đắp cho em, để tôi được một lần thật sự yêu em..."

"Tướng quân, ta chưa từng nghĩ sẽ quay về Edo...", đã là lần thứ mấy rồi nhỉ, Wonho lại thành công phá vỡ lớp phòng bị của ta, lớp phòng bị ta dày công khổ sở mới xây lên được.

"Bây giờ thì sao?", không để thần trí ta lấy lại tỉnh táo, hắn cúi xuống, để hơi thở cả hai quyện lại thành một, như thuốc phiện, dây dưa không dứt.

"Bây giờ..."

Ta không biết mình quay về như thế nào, chỉ nhớ ta đã khóc rất nhiều. Khóc hết những tủi hờn, những nhớ nhung, khóc hết những uất ức, những phiền muộn, khóc hết cả những hạnh phúc, những ưu tư.

"Cuối cùng thì ta và ngài đều là kẻ thua cuộc, chẳng ai buông bỏ được ai", ngồi bên hắn dưới hiên nhà, dưới bầu trời sao rực rỡ, ta ngỡ mình sống lại cái tuổi đôi mươi, cái thời ta và hắn còn luyên thuyên đủ thứ chuyện trên đời.

"Tôi lại nghĩ, chúng ta đều đã chiến thắng...", hắn vuốt nhẹ tóc tai, ôn nhu, nhẹ nhàng như vuốt một cánh hoa, "Phần thưởng chính là những tháng ngày tươi đẹp trước mắt, không phải sao?"

"Ngài tự tin quá đấy!", ta bĩu môi, nhưng mà vui lắm. Ta chợt nhận ra, ta đã sống vô nghĩa thế nào trước đây, giờ thì chẳng còn vướng bận, ta chẳng việc gì phải tự làm khổ bản thân nữa, đã đến lúc, ta sống cho mình, sống cuộc đời mình chọn, không hận không hối, "Ngài không muốn kể cho ta nghe điều gì sao? Về Edo?"

"Bắt đầu từ đâu bây giờ?"

"Từ đâu cũng được", ta đưa tay ra trước mặt, năm ngón tay thon thả rõ ràng dưới ánh trăng bàn bạc, "Bắt đầu từ vợ của ngài đi!"

Wonho cúi xuống nhìn ta, lông mày chau lại. Giá mà hắn biết bộ dạng của hắn lúc này buồn cười đến mức nào nhỉ.

"Ta nghiêm túc đấy!", ta ôm lấy gương mặt hắn, mỉm cười, "Không phải ngài cũng muốn kể cho ta nghe sao?"

"Tôi chỉ không nghĩ em sẽ hỏi trực tiếp thế thôi. Tôi còn lo là em sẽ buồn!"

"Sao lại không buồn. Thế nên ngài phải lựa lời mà kể cho đúng vào đấy!", ta dí tay lên đầu mũi hắn, thật ra lòng vô cùng tò mò, tò mò về vị thiếu phu nhân được phu nhân khi còn tại thế đích thân lựa chọn là người như thế nào.

"Nàng ấy và tôi giống nhau, kết hôn theo sắp xếp của gia đình, một cuộc hôn nhân chính trị", Wonho bắt đầu kể, như đang kể chuyện của một ai đó không liên quan gì đến hắn, "Nàng ấy cũng không hài lòng với cuộc hôn nhân này, thế nên chúng tôi thỏa thuận với nhau, sau khi mọi việc kết thúc, nàng ấy làm tròn bổn phận sinh người nối nghiệp, rồi đường ai nấy đi, nàng ấy sẽ quay về với ý trung nhân của mình, còn tôi, tôi đến đón em...", hắn ngừng một lát, nắm lấy tay ta, xoa nhẹ, "Mười lăm tháng này nàng ấy tái giá, đến lúc đó, em và tôi cùng nhau đến tham gia hôn lễ nhé!"

"Tiểu thiếu gia bây giờ thì sao, ngài đưa nó cho ai nuôi dưỡng rồi?"

"Thằng bé đương nhiên ở lại phủ tướng quân để nhũ mẫu chăm sóc", hắn trả lời, ánh mắt rơi trên bụng ta, "Em không thể sinh con được, vậy thì trở về nhận nó làm con đi, dù gì sau này vị trí phu nhân tướng quân cũng là của em mà!"

"Ngài tính toán thật đấy, đã tính đến cả bước này rồi cơ!", ta bật cười, nhéo tay hắn, "Ngài không sợ người khác chê cười chúng ta sao?"

"Ai dám?", hắn nhướn mày, vẻ mặt có chút gian tà nhìn chằm chằm ta, "Sau này đường em đi, tôi dọn sẵn, em chỉ việc ở bên tôi là được. Thế nào, có vui không?"

"Ngài lại học được thói trêu chọc con nhà lành rồi đấy!", ta cắn môi, tựa đầu vào vai hắn, "Cám ơn ngài..."

"Hửm?", Wonho nghiêng đầu, nhìn ta lạ lẫm, như muốn hỏi vì sao đột nhiên lại muốn nói cám ơn.

"Vì đã luôn nghĩ đến ta..."

"Vậy thì cũng cám ơn em...", hắn đáp lại, thơm lên tóc ta mềm.

"Vì sao?"

"Vì đã chờ tôi..."

Wonho còn kể cho ta nghe nhiều chuyện lắm. Từ lúc ta đi, Edo đúng là lắm chuyện thật. Khắp nơi đều là âm mưu chồng chất, rắc rối đến nhức cả đầu. Hắn kể, kể đến tận lúc trăng lên cao nhất, gió biển thổi lạnh cả hai chân.

"May là ta trốn đến đây!", ta nửa đùa nửa thật nói với Wonho.

"Em lo ở lại tôi không bảo vệ được em ư?", Wonho dụi đầu lên tóc ta như đứa trẻ giận dỗi, "Nếu em có ở lại, tôi cũng không để bọn họ thương tổn em dù chỉ là một chút. Tôi không giống cha mình, tôi dám hứa!"

Ta không trả lời, chỉ siết tay hắn chặt hơn. Nếu hắn dám hứa, thì ta dám tin.

"Hyungwon", Wonho nỉ non, "Hyungwon, tôi yêu em!"

"Ta cũng thế, Wonho...", lần đầu tiên ta bày tỏ lòng mình với hắn, ngắm nhìn gương mặt hắn dãn ra, ngờ nghệch, lẽ ra ta nên nói sớm hơn.

Đêm ấy, ta thiếp đi trên vai hắn. Giấc ngủ an yên...

...00...

*Usagi có nghĩa là con thỏ trong tiếng Nhật

**hòa ly là sự ly hôn dưới sự đồng thuận của cả vợ và chồng trong bối cảnh xưa

______.______

Chính văn hoàn

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Fan