ZingTruyen.Fan

Khong Cp Edit Tinh Yeu May Di Ra Di

Lần đầu gặp cô bé, em đang ngồi vẽ tranh một mình trong góc, trong tranh là xích đu trong sân cô nhi viện. Em vẽ rất nghiêm túc, với tôi nét vẽ ấy tuy còn non nớt, nhưng đã bộc lộ năng khiếu trời cho. Bởi vì nghề nghiệp là giáo viên mỹ thuật, chưa chi tôi đã có thiện cảm với cô bé này. Tôi mở lời: "Em muốn chơi xích đu đúng không?"

Em không ngẩng đầu, cũng chẳng hé răng nửa lời, ôm bút vẽ và vở thu mình co rúm. Sau đó viện trưởng kể cho tôi, cô bé mới đến này tên Giang Du, mẹ ruột tự sát, cha dượng ngồi tù vì tội cố ý gây thương tích. Do không còn ai chăm sóc nên em bị đưa tới cô nhi viện. Bọn trẻ ở đây phần lớn đều có hoàn cảnh đau lòng, nhưng cảnh ngộ của cô bé vẫn làm viện trưởng lắc đầu thương cảm.





Tôi làm tình nguyện viên ở cô nhi viện đã nhiều năm, viện trưởng cũng không giấu giếm, nói cho tôi một ít chuyện về Giang Du. Vậy nên tôi biết em tạm thời mất giọng vì chịu cú sốc lớn khi mẹ qua đời, hơn nữa em từng bị cha dượng giam cầm xâm hại trong thời gian dài, trên người có rất nhiều vết thương cũ, không muốn tiếp xúc gần gũi với người khác.

Tôi không khỏi hối hận vì trước đó đã đường đột bắt chuyện với em. Tôi có thể đã làm em sợ hãi.

Bọn trẻ ở cô nhi viện phần lớn đều rất vâng lời, Giang Du cũng vậy. Em đặc biệt ngoan ngoãn, không nghịch ngợm làm phiền viện trưởng và các cô bảo mẫu, mỗi ngày tự mình tìm một góc ôm vở vẽ tranh. Em không nói không rằng, rất nhiều thời điểm dường như vô hình. Theo thời gian, khi số lượng trẻ cần quan tâm chăm sóc tăng dần, viện trưởng khó tránh khỏi bỏ sót em. Lần sau gặp lại, tôi nhìn thấy Giang Du vẽ tranh chi chít ở mép vở. Em vẽ hết trang trắng rồi nhưng không ai biết, song em sẽ chẳng đòi viện trưởng mua vở mới cho mình. Em chỉ tìm khoảng trống mà vẽ lấp vào.

Nhìn thấy cảnh ấy, tôi chợt cảm thấy lòng mình chùng xuống. Không kịp nghĩ ngợi, tôi lập tức xoay người lái xe đến cửa hàng thường đến, mua một túi to vở trắng cùng đủ loại bút. Nhưng khi mua trở lại rồi, nhìn bóng dáng gầy gò, tôi lại do dự, không biết nên đưa cho em bằng cách nào. Tôi là một người đàn ông trưởng thành, em lại có bóng ma tâm lý, nhiều khả năng sẽ sợ hãi người khác phái. Cuối cùng tôi phải nhờ viện trưởng thay tôi tặng em.





Không biết viện trưởng đã nói gì với em, lần tới khi tôi đến cô nhi viện làm tình nguyện, Giang Du đã lén quan sát tôi mấy lần. Em là một cô bé biết cảm kích hàm ơn. Tôi cho rằng mình chỉ làm một việc nhỏ, nhưng em lại ghi nhớ và bày tỏ thiện ý với tôi.

Tôi được cô bé trầm lặng ấy tặng cho một bức tranh, là cảnh tượng đợt trước tôi giúp cô nhi viện dặm lại tường ngoài, tô một hàng hoa hướng dương vàng tươi rực rỡ. Giang Du vẽ tôi đang cầm cọ vẽ lớn quét tranh tường, trông rất đáng yêu. Mỗi ngày lướt qua vô số bài tập ở lớp vẽ, bức tranh này so ra còn kém đám học trò của tôi, nhưng hiện tại tôi lại rất muốn chấm cô bé 100 điểm tròn.

Ngắm tranh, rồi lại nhìn sang đôi mắt xoe tròn mở to, tôi cảm thấy em giống như một chú cún cỏ, lòng bỗng vui vẻ lạ thường. Tôi thận trọng hỏi em: "Em cho tôi mượn bút và vở một chút nhé?"





Giang Du nín thở, duỗi dài tay đẩy vở đến chỗ tôi, còn tôi thì cầm lấy nó hí hoáy vẽ một hồi rồi mới đưa lại cho em. Trong tranh là em cùng một bầy cún cỏ. Giang Du ngốc nghếch nghiêng đầu nhìn, đột nhiên im như thóc ôm vở chạy. Tôi hoảng hốt, có chút lo lắng tưởng rằng cô bé giận, hoặc e là bị tôi dọa rồi. Cả buổi trưa không thấy được em ra ngoài vẽ tranh, tôi chỉ có thể đi tìm viện trưởng, nhờ bà ấy trông chừng em đừng để xảy ra chuyện gì. Viện trưởng bèn cười lớn, giải thích với tôi: "Con bé thích cậu lắm đấy!"

Thật vậy chăng? Tôi không tin cho lắm, nhưng đúng là cô bé Giang Du dần gần gũi tôi hơn. Sau một năm, em đã có thể ngồi cạnh tôi một cách bình thường. Mỗi lần đến cô nhi viện tôi đều cắp lũ trẻ chạy vòng vòng trong sân, có mấy đứa còn khoái được tôi cõng trên lưng xốc nảy, nhưng riêng với Giang Du, đến nay tôi vẫn chưa dám chạm vào em. Tôi sợ em sẽ hoảng loạn.





Tôi dần dà có thể trò chuyện với Giang Du. Truyện cổ tích trẻ con thích nghe thì dường như em không hiểu, tôi mà kể thì em sẽ ngơ ngác nhìn chằm chằm tôi. Ấy mà nếu tôi kể em nghe chuyện nọ chuyện kia về đám học trò ở lớp vẽ, em sẽ lắng nghe vô cùng nghiêm túc. Ngoài ra, em còn rất thích nhìn tôi vẽ tranh. Không biết tự bao giờ, tôi đã tập quen dần với việc đem theo vở trong balo mỗi lần đến cô nhi viện làm tình nguyện, xong việc tôi sẽ ngồi cạnh Giang Du, cùng em vẽ tranh trong yên lặng. Sau khi hoàn thành tôi sẽ xé trang giấy vẽ tặng em, gương mặt em trông hạnh phúc đến bừng sáng.

Em vẫn luôn im lặng, tôi cũng từ từ quen mình nói thì em an tĩnh nghe. Có một lần vẽ xong, tôi xé tranh đưa cho em, rồi thuận miệng hỏi: "Thích chứ?"

Chợt tôi nghe được một giọng nói lí nhí, mơ hồ hai chữ, "...Thích ạ."

Việc Giang Du có thể nói chuyện trở lại khiến tôi vui sướng từ tận đáy lòng. Tuy rằng ban đầu chỉ có thể nói một chữ, hai chữ, thậm chí vô cùng chậm, nhưng tôi biết, chỉ cần em cố gắng, tương lai chắc chắn có hi vọng. Đúng như tôi dự đoán, Giang Du giao tiếp ngày càng lưu loát, chỉ đôi khi phản ứng chậm một nhịp. Biết em sốt ruột vì việc này, tôi an ủi em: "Đừng nóng vội, từ từ thôi, từ từ rồi sẽ đến đích. Nào, em hãy phát âm từng chữ thật rõ ràng nhé."

Tôi cảm thấy Giang Du của sau này làm gì cũng chậm rì rì, có lẽ một phần cũng là do sự giáo dục của tôi trong thời gian này. Viện trưởng thường bảo tôi, Giang Du thích tôi nhất, số lần nói chuyện với tôi cũng nhiều nhất. Tôi vui đấy, nhưng trong lòng lại pha chút sầu lo.





Giang Du đã 12 tuổi, lại chưa từng đi học. Em nên đi học. Tôi vận dụng quan hệ cá nhân tìm trường giúp em. Tôi cho rằng cô bé sẽ khó mà thích ứng, nhưng em còn kiên cường hơn cả tưởng tượng của tôi. Tôi lén theo em đến lớp vài buổi, cô bé con làm gì cũng đều ra dáng bà cụ non nghiêm túc, rất nhanh đã thích nghi với cuộc sống học đường. Cuối cùng tôi đã có thể thoáng yên lòng.

Giang Du thật sự yêu thích hội họa. Cảm thấy quá đáng tiếc nếu lãng phí tài năng của em, nên sau một thời gian cân nhắc, tôi đã hỏi em có bằng lòng đến lớp của tôi học vẽ bài bản không. Tôi yêu quý và đánh giá cao năng khiếu của em, cũng hiểu hoàn cảnh của em, đương nhiên sẽ không thu học phí và còn mua cho em mọi dụng cụ cần thiết. Từ ngày bắt đầu theo học tại lớp vẽ, em đổi xưng hô gọi tôi là thầy.

Một tên gọi, 4 năm ròng.

Em là cô học trò tài năng nhất của tôi, tôi thậm chí còn muốn nhận em làm đệ tử ruột truyền hết mọi ngón nghề. Giang Du ngây ngô, 16 tuổi rồi mà vẫn bé xíu con, tôi hỏi cái gì em cũng gật đầu vâng dạ. Ngày thường các anh chị trong lớp vẽ trêu đùa em, em nghe không hiểu, mắt chữ A miệng chữ O, sau đó cũng cười hì hì hùa theo.

Tuổi tôi lớn gấp đôi Giang Du, hơn tận 16 tuổi, nếu tôi tảo hôn, không chừng đã có đứa con gái cỡ tuổi em cũng nên. Thế nên ở cạnh bên bao lâu nay, tôi hầu như luôn coi em như con gái rượu để chăm sóc — tuy nhiên, như đã nói, là hầu như.





Đôi khi chính tôi cũng không thể nói rõ cảm xúc của bản thân. Có những thứ tôi không dám suy nghĩ quá sâu xa, để trốn tránh mặc cảm đê hèn, tội lỗi. Một đứa bé ngoan như em, tôi hẳn phải tự giác làm một bậc trưởng bối, một người thầy mẫu mực, làm tròn trách nhiệm để em ít nhất có thể có môi trường tích cực tươi sáng để theo đuổi hội họa.

Những lúc Giang Du gọi thầy ơi, đôi mắt luôn sáng lấp lánh, tròng mắt đen huyền, trong veo như trẻ nít. Khi em nhìn tôi, mọi tình cảm trong em lộ rõ như ban ngày. Tuổi mới lớn là thế, ánh mắt chẳng thể che giấu tâm tư, không như người trưởng thành, luôn viện đủ loại nguyên cớ lấp liếm cảm xúc của bản thân.

Mỗi khi em nhìn tôi, tôi sẽ khó kiềm được tiếng thở dài. Cô bé con Giang Du dậy thì, đến độ tuổi sẽ có hảo cảm mông lung với người khác phái. Tôi có thể cảm nhận rõ rằng Giang Du thích tôi. Trước đây em chỉ đơn thuần nhìn tôi như một bậc cha chú đáng tin cậy, mà hiện tại, đã trộn lẫn rất nhiều thứ không thể gọi tên.

Chính bởi vì cảm nhận được tình cảm của Giang Du, cho nên tôi lại càng phải nghiêm khắc giữ vững chừng mực trước mặt em, cố gắng vào vai một người thầy hoàn hảo để em trông cậy, dựa dẫm. Tôi không thể đáp lại tình cảm ngây ngô thuần khiết của em, càng không thể cho em bất cứ ảo giác nào về phương diện này. Tôi chỉ hy vọng có thể làm một người trưởng bối mà em kính yêu, chăm sóc, dõi theo em lớn khôn từng ngày.

Trong cuộc đời Giang Du, hình tượng của người cha biến tướng dị dạng. Tôi đã từng hy vọng có thể lấp đầy vào chỗ trống này, hy vọng chờ đến khi em trưởng thành, nhắc về cha, em sẽ nghĩ đến sự dạy dỗ tôi dành cho em, mà không phải những hồi ức thống khổ hay đòn roi đau đớn. Như vậy thì tôi càng không được có bất cứ biểu hiện vượt rào nào với em, không muốn cho em một mối quan hệ lệch lạc sai trái.

Hơn nữa, tình trạng sức khỏe của tôi không hề lạc quan. Mang trong mình mầm bệnh di truyền của dòng họ, sau khi thực hiện tầm soát tôi thậm chí cũng không dám chắc mình có thể bầu bạn ai đó dài lâu hay không. Nếu đã thế, tôi thà rằng giữ nguyên hiện trạng.

Rất nhiều lần tôi cho rằng cô bé con Giang Du sẽ bất chấp tất cả mà tỏ tình với tôi. Vì biểu cảm trên gương mặt em thật sự quá trắng ra, tôi buồn lo thúi ruột, nửa đêm mất ngủ, còn gặp phải ác mộng. Tôi vắt hết óc tự hỏi nên làm thế nào để từ chối mà không khiến em tổn thương, hơn nữa dẫn em về đường ngay lối thẳng, không lưu lại cho em chút khổ sở tiếc nuối nào vì đoạn tình cảm thoáng qua này.

Rốt cuộc, em lại chẳng bày tỏ gì với tôi. Giang Du ngốc nghếch, tôi đã đánh giá cao lá gan của em. Có đôi khi ngẫm lại, tôi còn tự bật cười trước cái vẻ sứt đầu mẻ trán phòng ngừa chu đáo ấy.

Tôi muốn đối xử tốt với Giang Du, bù đắp sự thiếu hụt gia đình của em, cho những tổn thương em phải chịu, nhưng cũng phải có giới hạn. Vì tôi sợ tốt quá hóa lốp, biết đâu một ngày nào đó em sẽ quá xúc động mà nói lời yêu?

Buổi sáng ngày bệnh khởi phát, tôi còn đang phân vân cuối tuần nên dẫn Giang Du đi đâu vẽ vật thực. Em nói muốn đi ngắm biển, dĩ nhiên là tôi đồng ý, nhưng xét đến chỉ có trai đơn gái chiếc thì không hay cho lắm, tôi còn chuẩn bị tổ chức cho cả lớp vẽ cùng đi. Song kế hoạch còn chưa thành hình, tôi đã ngã xuống.

Giang Du lúc này đã 18 tuổi, đủ tuổi thành niên, nhưng trong mắt tôi em vẫn là một đứa trẻ. Em rất ít khi hoảng loạn, làm gì cũng chậm hơn người khác một nhịp. Ngay khi vừa tỉnh dậy, người thứ nhất tôi nhìn thấy chính là em. Em ngồi ở mép giường, bỗng nhiên giữ chặt tay tôi áp má, cúi gập người, so vai. Em khóc. Tôi biết em nhiều năm như vậy, lần đầu tiên mới thấy em khóc. Khi đó tôi cảm thấy mình đã đau lòng đến đứt ruột đứt gan, thậm chí còn đau hơn cả khi căn bệnh tái phát.

Cô bé con ngốc nghếch không đi học, cũng không vẽ tranh, mỗi ngày cứ ngồi lì cạnh gường, muốn chăm bệnh cho tôi. Lòng tôi vừa cảm động lại vừa xót xa.

"Trở về đi học cho tôi, không phải sắp thi rồi sao?" Tôi bảo em.

"Không thích vẽ tranh nữa à? Mấy ngày nay tôi không thấy em luyện vẽ, về nhà đi, đừng đợi ở đây."

Bệnh viện không phải là nơi nên ở. Tại đây, từng giây từng phút đều có thể cảm nhận được bầu không khí nghẹt thở khi sự sống đếm ngược. Tôi không muốn em ở đây lâu, chẳng tốt lành gì, ngặt nỗi một khi Giang Du đã quyết tâm thì không ai có thể khuyên em lùi bước.

Cuối cùng thì em vẫn lấy hết dũng khí thổ lộ với tôi, vào cái ngày mà tôi nhận được giấy kết quả xét nghiệm tương đương với bản án tử hình. Không hề phát hoảng như đã nghĩ, tôi rất bình tĩnh, có thể vì tờ kết quả ấy, hoặc có thể vì tôi đã xem mình như phụ huynh em suốt bao năm. Thời điểm Giang Du bộc bạch em thích tôi, suy nghĩ đầu tiên trong đầu tôi lại chẳng dính dáng gì đến tình yêu. Điều tôi canh cánh chính là sau khi tôi chết, ai sẽ chăm sóc cô bé này đây.

Tôi bình thản từ chối lời tỏ tình. Giang Du khụt khịt mũi, rút khăn giấy chấm chấm mắt, rất nghiêm túc hỏi tôi: "Thầy chê em nhỏ tuổi đúng không?"

"Do thầy già quá thôi." Tôi tận lực nhẹ nhàng bông đùa. Thiết nghĩ, nếu khoảng cách tuổi tác không lớn, có lẽ tôi sẽ sớm rơi vào lưới tình với cô bé ngốc nghếch này. Nhưng xét lại cũng không ổn, nếu tôi đồng trang lứa với em, sao tôi có thể có năng lực che chở em, cho em một không gian tự do để trưởng thành? Thế nên như hiện tại vẫn là tốt nhất.

Cô bé con bị tôi từ chối thẳng thừng vẫn muốn ở lại bệnh viện chăm sóc tôi. Bị bệnh tật hành hạ, lại chẳng muốn để em nhìn ra, tôi chỉ có thể nhắm mắt giả bộ ngủ. Những khi cắn răng chịu đựng, tôi nghe thấy tiếng Giang Du ngồi cạnh giường thút thít: "Thầy ơi, thầy đừng đi, em sợ lắm."

"Thầy ơi, thầy đừng đi mà."

"Thầy ơi..."

Nếu tôi đi rồi, em phải làm sao bây giờ? Với suy nghĩ ấy, tôi đồng ý tiến hành phương án điều trị mà bác sĩ đề nghị. Tôi muốn sống lâu thêm dù chỉ một chút, đồng hành cùng cô bé con này thêm 2 năm, chờ em lên đại học. Thậm chí tôi còn muốn nhìn em tìm một cậu bạn trai tuổi xấp xỉ, nhìn em có một cuộc hôn nhân tốt đẹp, một gia đình trọn vẹn yên ấm. Tuy nghĩ đến là đã thấy chua xót, nhưng tôi vẫn nuôi hy vọng.

Sau khi căn bệnh bộc phát, mỗi một giây tồn tại đều là tra tấn. Cha mất khi tôi còn rất nhỏ, thời kì đầu khi mới phát bệnh, vì không chịu nổi cơn đau dai dẳng mà ông đã lựa chọn từ bỏ. Trước đây tôi không hiểu, hiện tại chính tôi cũng trải qua mới dần hiểu, quả thật đau đớn không lời nào tả xiết.

Gian nan là thế, tôi vẫn muốn gồng mình sống tiếp. Nghe thấy Giang Du thút thít cầu xin tôi đừng đi, tôi dù chết cũng không nhắm mắt, giãy giụa mà sống lại. Tôi quá bận lòng về em.

Thế nhưng, con người không cách nào chống lại số phận. Cảm nhận được tiếng chuông báo tử gần kề, tôi phải tìm đường chuẩn bị cho Giang Du sau này. Tôi nhờ bạn bè tôi quan tâm em, để lại cho em một khoản tiết kiệm đủ để em yên tâm đến trường. Tôi muốn dành cho em mọi thứ, nhưng tôi không có thời gian, và cũng không thể.

Đến thời kì cuối, cơn đau tăng dần tần suất lẫn cường độ, tôi bắt đầu không thể kiểm soát cơ thể, lộ ra khuôn mặt vặn vẹo vì đau đớn. Thời gian tôi tỉnh táo càng ngày càng ít, mặc dù cố gắng xốc lại tinh thần, tôi cũng vẫn đau đến ngất đi khi Giang Du đang trò chuyện cùng tôi. Nhớ như in lời Giang Du van nài tôi đừng đi, cho nên tôi sẽ tiếp tục chống chọi.

Cho đến một hôm, chợt Giang Du bảo tôi: "Thầy... Em một mình cũng không sao, em không sợ. Thầy không cần phải ở lại với em nữa đâu."

Hình như em lại khóc.

"Thật không đấy?" Tôi khó nhọc hỏi, muốn nhìn rõ biểu cảm của em.

"Thật ạ." Em cật lực gật đầu.

Ngày tôi rời đi, tiết trời sáng sủa, cửa sổ phòng bệnh mở tung, Giang Du ngồi bên cạnh ôm vở vẽ tranh. Tôi nhìn em, bỗng ngẩn ngơ, như quay ngược về quá khứ. Lần đầu tiên nhìn thấy cô bé con nhỏ gầy, cũng là dáng vẻ này.

Có lẽ chú ý tới ánh nhìn chăm chú của tôi, Giang Du đột nhiên ngẩng đầu nhìn về phía tôi.

"Giang Du... Thầy sắp phải đi rồi... Thầy không yên lòng... không yên lòng về em..."

Tôi không yên lòng, đến chết cũng không yên lòng.

Giữa mông lung, dường như tôi nghe được tiếng khóc nấc nghẹn của Giang Du. Sau đó, thế giới chìm vào bóng tối.

Tôi đi rồi, ai sẽ chăm sóc em đây?



(hết chương 10)



Tác giả có lời muốn nói: Đến chương này là có thể kết thúc được rồi... Ừ thì, cả nhà còn có muốn xem góc nhìn nào nữa không? Trừ vai chính ra.


Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Fan