ZingTruyen.Fan

JKKM| - Án Điền gia

21

SnowDevil-


"Chị nghe gì chưa?"

"Nghe gì?"

"Thì bữa hổm thấy bảo cô Kiều bên xã Uất Thị vừa chào hỏi nhà Điền xong. Ông Điền còn mang đôi nhạn sang kén chọn cổ rồi, sắp tới có hỉ là cậu Quốc nhà đó lấy vợ chứ ai vô."

Bà Tín cháo nghe vậy thì gật đầu, tay quấy nồi cháo lòng thơm phức đang thổi khói nghi ngút: - "Cậu gia nhà Điền tuổi này rồi thì cưới là tốt, trong làng dạo rày gặp lắm chuyện xui nên có cái hỉ lại sáng sủa ra bớt."

"Nói mới nhớ, làng mình mới đầu năm mà đã có tới năm người chết liên tiếp, từ cái hôm chàng Mến rơi sông, rồi tới phen hai người hay đi cùng với chàng ta thắt cổ. Lại nói tội nhất là nhà Hậu với thị vợ của chàng ta, gieo mình trong lửa. Làng năm nay lắm giông dữ dằn." Thím Liên với bà Tín thật ra cũng biết được đôi sự tình, mà hai người chỉ dòm nhau rồi đánh lảng, để trong bụng chớ không dám nói ra. Giông đầu năm nay mấy người chết nọ cũng là kẻ hầu thân tín của nhà Điền. Hôm trăng mồng một người ta đi ngang qua thấy mấy thanh niên này làm việc cho bên gia đó thì cũng ngó ra chuyện. Giờ nhà Điền có hỉ cũng chẳng biết vớt vát được bao nhiêu cái hên vào làng. Tội nhất vẫn là người nhà của các chàng kia, từ đó tới rày nom im lìm buồn bã, âu sầu dữ lắm.

Thím Liên nói xong thì đưa lại cho bà Tín mười hai đồng, thím cũng hay đến đây ăn cháo buổi sáng, nhưng cháo bà Tín cũng chỉ có ba đồng một tô. Chả là thím dòm đám ba đứa trẻ, đầu ba chỏm tóc đứng bên kia đường xoa xoa cái bụng đói meo, mắt thì nom về hướng này, thấy thương quá nên thím mới mua thêm ba phần mang qua cho chúng. Mấy đứa nhỏ cũng tội lắm, con của thị Tới chứ đâu. Nhà chúng nghèo, vẹo đâu ra tiền mà húp cháo, thím thì cũng chẳng giàu có gì, nhưng ba tô cháo thím kham được.

***

Tục ta có bốn lễ nghi tất yếu: quan, hôn, tang, tế. Cái tam cương luôn đi với ngũ thường: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Phận làm con, nhân duyên chuyện giá thú như cái đinh cắm cọc rào, định vợ gả chồng cho con cái là uy của bề trên.

Lúc sang gia Điền ông Lý cũng đã ngồi đàm luận, xem ra nhà ông gặp cái rối trong chuyện làm ăn, chẳng ai cưới hỏi trong tháng giêng nhưng Lý Hữu Nhạ cũng bèn chịu ý nghị hôn như lời nhà Điền. Lễ nạp tài, vấn danh, nạp cát, nạp trưng ông Điền đều đã mần xong xả, một tiếng cũng không nói lại cho đứa con thứ trong gia. Thời gian cũng được rút ngắn hết cỡ, dạm ngõ vì thế mà làm chung với lễ thân nghinh.

Những hộ giàu có tiếng trong làng, nếp sống rảnh rỗi cảnh vẻ, quý hóa lắm thì ăn vận áo tấc cho ra vóc dạc sang trọng, quần nhuộm màu nâu hoặc để trắng. Thời của Điền Chính Thụy, Vua Chúa cho rằng: "Lời sấm cổ có nói tám đời quay lại trung đô, tính từ Thái Tổ vừa hay đúng với tám đời, ngài bắt đầu hạ lệnh thay y vận, đổi phong tục, cùng dân chuyển mới. Nam nữ sĩ thứ đều búi tóc, vấn khăn*. Tục trong làng Quýnh còn gọi đấy là vận quần chân, áo chít, quấn khăn đội đầu. Những ngày cưới hỏi, đôi giá thú ở làng thường vận trên người chiếc áo tấc tay dài, quần lĩnh thâm, hoặc là nhiễu đỏ. Đờn ông áo tấc đen, đờn bà áo tấc xanh ngọc bích, hoặc loại áo có màu hồng bông phấn.

Với dân nghèo, cả năm mặt cắm đất lưng ngửa trời, làm lụng lem luốc, người làng Quýnh vải thô kệch vấn đầu, đi chân đất. Các thị đờn bà cô gái áo chít, hoặc áo bà ba nhăn nhúm màu nâu sồng. Đờn ông quần thụng vắt trên gối, lưng trần. Dân không phân mùa nóng mùa lạnh, đông vẫn vận đồ mỏng vải. Cưới hỏi lại khỏi nói, cơm áo gạo tiền lo không xuể, ưng nhau thì về mà ở cùng nhau, nén nhang với tổ thế là xong chuyện.

Khắp gia Điền lúc rày nhuộm một màu rộn rịp. Phòng thờ trưng ra mâm cơm lớn, sính lễ cho nhà gái cũng đã chuẩn bị xong xả, tiêm tất. Cặp rượu trà gói trong giấy đỏ, đĩa trầu cau têm cánh phượng và mâm ngũ quả trịnh trọng. Điền Chính Thụy đứng ra, tay cầm nén nhang đang hun khói tỏa trong phòng thờ, ông tế tổ, xin giờ lành rước dâu. Xong lễ thỉnh kỳ, tất cả người trong gia Điền ăn vận đỏm dáng, chuẩn bị bảnh chọe đi lễ thân nghinh.

Đường sang nhà Lý ở xã Uất Thị. Mặt đất thì gồ ghề, lởm chởm những viên đá to, đá nhỏ. Các cô dì mang trên chân đôi guốc mộc, dòm đường mà đi không cẩn thận khéo bổ sấp bổ ngửa, rách da chảy máu. Trời hôm nay lại âm u, chẳng có chút nắng noi chiếu rọi. Đoàn rước dâu bắt đầu bị những cơn lạnh ăn vào cơ thể, cái rùng mình rét nổi da gà cuốn đến từng ngón tay sợi tóc.

Đoạn gần ra tới cổng làng, cái Huyên con thầy lang hay xem bệnh cho nhà Điền thập thò bên gốc Đa. Thị trông người con trai vận áo tấc đen, búi tóc đoan chính, mắt tự dưng lại rơm rớm. Hồi nọ có lần thị mến mộ người ta, ngỡ đâu mình được lọt vào mắt cậu nên thị bằng lòng, chấp nhận cùng ở gian Điền Quốc một đêm. Thị ưng chịu những thứ cậu Ba yêu cầu, trong lòng còn nghĩ suy, sau đêm nay mình sẽ leo lên làm mợ nhỏ. Nhưng đâu ai biết, Điền Chính Quốc đưa thị về phòng, chẳng mần chuyện điên loan đảo phụng.

Cậu hỏi thị. - "Có biết chữ không?"

Thị khó hiểu, nhưng cũng gật đầu mấy cái, thưa: - "Dạ em biết."

Rồi cậu chỉ bảo thị quỳ trước tủ chứa mấy thứ cúng cấp cho người nào đó mà chẳng có hình thờ. Cậu đưa sách Phật cho thị, bắt thị đọc đi đọc lại không ngơi nghỉ**. Sau khi xong việc, thị không nói điều gì, chỉ im lặng. Lúc rời đi thị lập lò, tìm đường ngang ngõ tắt, chân đăm đá chân chiêu mà trốn ánh nhìn của người làng. Ăn mày đánh đổ cầu ao, thị biết thị vụng dại, lật đật nên mới ra nông nỗi này. Thị buồn với thẹn dữ lắm, bởi lúc đó thị dẹp hết thứ tam tòng tứ đức, công dung ngôn hạnh mà đem lòng theo cậu Ba về gia Điền. Rồi thị mới biết, cậu xem thị là loại con gái: "Có đỏ mà chẳng có thơ. Như hoa dâm bụt, nên cơm cháo gì! "

Cậu đâu có ý gì với thị, cậu cũng kì cục dữ dằn. Huyên độ ấy vừa đi vừa khóc, rồi thị nhảy ao cho ướt người, vờ về rối rắm nói với thầy lang nhà thị, rằng "Con rớt ao ngất lịm, lúc tỉnh mơ màng mà về được tận đây."

Thầy lang thốt vó tìm thị cả đêm sốt hết cả ruột, thầy nghe vậy, đang lo lắng cho con nên thầy không nghĩ gì nhiều, mới đáp: - "Con về là tốt, tốt lắm rồi."

Đoàn rước dâu đi qua cổng làng Quýnh, mấy đứa nhỏ vẫn xúm xít bâu theo, hô hoán:

"Trai khôn dựng vợ,
Gái lớn gả chồng.
Duyên vướng nợ tơ hồng,
Chàng đi đường rước
Cánh đồng vàng nao nao."

...

Xã Uất Thị cũng giống bên làng Quýnh, tục chăng dây vẫn được đám trẻ nhỏ bụ bẫm, lanh lẹn đứng chắn trước cửa cổng nhà gái. Lúc nhà Điền gần tới cổng gia Lý, lũ chúng nó cử ra một đứa nhỏ, tức thì chạy vào gian báo cho người bên trong.

"Nhà trai tới rồi, nhà trai đến tận cổng rồi."

Ông Điền kêu người bưng sính lễ lại gần, mở hộp lấy ra đôi viên kẹo Ú, phân phát cho lũ trẻ chăng dây. Chúng nó đứng trước ông, bâu xúm xít xin kẹo.

"Cho cháu, cho cháu nữa."

Nhận được kẹo xong, lũ nhỏ mới rút dây để bên đàng trai đi vào cửa cổng.

Người nhà Lý cho mời cụ già thắp hương vái trước bàn thờ rồi cùng ra đón đoàn nhà trai vào. Điền Chính Quốc mang hộp lễ trầu cau và rượu bước vô. Ông Thụy vẫn luôn đi cạnh hắn, tới gian chính bên kia mới cười cười, bảo: - "Vào vườn hái quả cau xanh, bổ ra làm sáu mời nhà xơi trầu."

Nom thị Kiều đứng cạnh ông Lý, mặt phấn môi son, áo tấc màu bông phấn, Điền Quốc lại nhớ đến Mân ban sáng. Người nọ cũng áo tấc, nhưng là màu ngọc bích, trong mắt hắn dâng lên bao ái tình. Mân lúc đó, đẹp lắm, đẹp đến mức hắn xiêu lòng, không muốn đi đâu cả. Thật ra tối trước hôm rước dâu, Điền Quốc kêu người làm một bộ áo tấc, áo hắn đang vận đứng trước gia Lý không phải áo ông Điền chuẩn bị, mà là chiếc hắn chọn, để làm lễ phân thành, thân giá thú với Mân, dưới chứng giám của cậu Hai Thiên trước nơi cúng cấp của cậu.

Mẫn khi ấy, rũ mắt hỏi Điền Quốc. "Cậu kêu tôi vận như rày để làm gì?"

Lúc đó là canh tư, tức giờ Sửu. Trời hãy còn tối, gà cũng chưa kịp gáy. Đèn dầu trong phòng leo lắt sáng, mặt Điền Chính Quốc nương theo đó mà lập lòe lúc ẩn lúc hiện, dáng người hắn lưng thẳng, mày cong, giọng nhẹ như lông vũ: 

"Hôn lễ là mối đầu của đạo người. Mân! Ngươi lấy ta có được không?"

----------------

"Nạp tài":  Lễ này bên đàng trai mang sang nhà đàng gái một cặp nhạn để tỏ ý đã kén chọn người.
"Vấn danh": Đàng trai sai người làm mối đến hỏi tên tuổi và ngày sinh tháng đẻ của người con gái.
"Nạp cát": Lễ báo cho nhà gái biết rằng đã xem bói được quẻ tốt, nam nữ hợp tuổi nhau thì lấy được nhau, nếu tuổi xung khắc thì thôi.
"Nạp trưng": Còn gọi là nạp tệ, nạp đồ sính lễ cho nhà gái.
"Thỉnh kỳ": Là lễ xin định ngày giờ làm rước dâu.
"Thân nghinh": lễ rước dâu, lễ cưới.
"Giá thú": Giá là lấy vợ, thú là lấy chồng.
*: Được tìm hiểu trong sách Ngàn năm áo mũ.
**: Là lời giải đáp cho phần cuối của chap 2, các bồ có thể đọc lại đoạn đấy nếu có quên.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Fan